(GDVN) – Với sự tồn tại của Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT thì công văn về việc khắc phục “bệnh thành tích” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả. Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi.
Ngày 28/12/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 6122 /BGDĐT-TĐKT về việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục gửi các sở giáo dục và đào tạo, trường học.
Nhưng với sự tồn tại của Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia thì công văn nhắc nhở của Bộ vừa qua chẳng có ý nghĩa gì.
Hàng loạt chỉ tiêu về chất lượng giáo dục được quy định trong Thông tư Số: 59/2012/TT-BGDĐT như:
Trường ở mức tối thiểu tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên đạt ít nhất 90%;
Tỷ lệ học sinh xếp loại khá đạt ít nhất 30%; xếp loại giỏi đạt ít nhất 5%;
Có học sinh tham gia các hội thi, giao lưu do các cấp tổ chức;
Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học đạt ít nhất 85%; Trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 90% trở lên.
Trường chuẩn mức độ 1 tỷ lệ này cao hơn, tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục từ trung bình trở lên đạt ít nhất 96%;
Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục khá, giỏi đạt ít nhất 50%, trong đó loại giỏi đạt ít nhất 15%; có học sinh tham gia và đạt giải các hội thi, giao lưu do cấp huyện trở lên tổ chức.
Trường chuẩn mức độ 2, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học đạt ít nhất 90%;
Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 95% trở lên.
Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục từ trung bình trở lên đạt ít nhất 98%;
Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục khá, giỏi đạt ít nhất 70%, trong đó loại giỏi đạt ít nhất 25%;
Có học sinh tham gia và đạt giải trong các hội thi, giao lưu do cấp tỉnh trở lên tổ chức.
Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt ít nhất 95%; Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 98% trở lên.
Chỉ tiêu cao ngất ngưởng
Ngay từ đầu năm học, hầu như tất cả các trường học ở các bậc học đều rà soát lại các chỉ tiêu được quy định trong Thông tư 59 để cân nhắc, tính toán đưa ra mức chỉ tiêu cho phù hợp.
Ví như tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng 99%, học sinh khá giỏi 75% trở lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt ít nhất 95%, có giải học sinh giỏi các cấp…Thế là hàng loạt chỉ tiêu thi đua được nhà trường lên chuyển về các tổ chuyên môn lấy ý kiến.
Nói là các tổ chuyên môn bàn bạc và có ý kiến chỉ là nói cho có vẻ khách quan, dân chủ (sau có cái ghi vào báo cáo) chứ tuyệt nhiên các tổ chỉ có quyền tăng chỉ tiêu cao hơn còn hạ xuống thì không bao giờ được.
Đã có không ít cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Tổ trưởng chuyên môn với Ban giám hiệu nhà trường về chỉ tiêu quy định quá cao nhưng dù thế nào thì cũng chưa bao giờ những chỉ tiêu ấy được hạ xuống.
Giáo viên có người oán trách Ban giám hiệu làm khó, bắt ép thầy cô phải làm cái điều đôi khi không thể làm nổi.
Thế nhưng mấy ai hiểu cho họ, chính Ban giám hiệu trường học cũng bị áp lực từ trên dồn xuống. Rồi ngay cấp phòng cũng bị áp lực từ cấp sở đưa về.
Sau nhiều năm, nhiều lần giáo viên có ý kiến cứ như đá ném ao bèo.
Thế là thầy cô giáo thường nói nhỏ với nhau ngoài việc nỗ lực hết mình dạy dỗ, kèm cặp học sinh, khi không đạt được theo chỉ tiêu thì tìm cách “lách” để tự cứu lấy mình.
Ép chất lượng theo chỉ tiêu
Theo lẽ thường, từ chất lượng thực sự của lớp, của trường để đưa ra chỉ tiêu mới chính xác.
Chưa nói trong một trường thì mỗi lớp cũng có chất lượng khác nhau tùy vào đối tượng của học sinh đầu vào.
Có lớp chỉ có một vài em tiếp thu chậm nhưng có lớp đến dăm bảy em thật sự không biết gì cho dù thầy cô có nỗ lực kèm cặp đến đâu.
Thế nhưng ngành giáo dục lại cứ làm ngược lại, họ đánh đồng tất cả học sinh vùng đồng bằng là phải đạt mức chỉ tiêu chuẩn như vậy.
Vì thế, muốn đạt được chỉ tiêu theo quy định đề ra không còn con đường nào khác là phải ép chất lượng theo đúng chỉ tiêu.
Cứ vào cuối năm học, giáo viên muốn cho học sinh nào ở lại lớp phải tính xem chỉ tiêu quy định đã đạt chưa?
Nếu chưa đạt, em ấy sẽ chẳng còn có cơ hội ở lại lớp mà buộc phải được “lùa lên”.
Để lùa học sinh yếu lên lớp, giáo viên lại có vô số cách. Ví như khi thì xếp em yếu, kém ngồi gần những em học giỏi.
Giáo viên chỉ ngay nội dung cần kiểm tra dặn các em về học (có em cũng còn không biết học thế nào).
Lúc này, thầy cô phải dùng đến việc chấm điểm bài thi nới tay, hoặc trực tiếp can thiệp vào bài kiểm tra của các em.
Ngoài các chỉ tiêu lên lớp, giáo viên còn phải kiếm cho được vài cái giải thi học sinh giỏi các cấp theo quy định trong Thông tư.
Năng lực trò có hạn, thầy cô phải dùng đủ mọi “chiêu” để có được giải như động viên gia đình cho em vào lò luyện để học sau mỗi ngày tan trường.
Giáo viên ban đặc ân giảm những nội dung học tập trên lớp cho những học sinh này.Hỗ trợ làm bài cùng học sinh, thầy cô còn tải bài trên mạng hoặc xin đồng nghiệp khắp nơi một số dạng đề địa phương ấy đã thi về nhồi nhét để trò đi thi.
Thế nên nhiều thầy cô nói rằng mình muốn cho học sinh nào lên lớp chẳng được, chỉ tiêu cao bao nhiêu cũng đáp ứng được tất, chỉ là lương tâm một nhà giáo chân chính không cho phép làm điều đó mà thôi.
Có một sự trùng hợp không rõ vô tình hay hữu ý, khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có 3 bài viết phản ánh về bài học cải cách giáo dục Campuchia ngày 27, 28, 29/12/2017, thì ngày 28/12/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn số 6122 /BGDĐT-TĐKT về việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục – Thanh niên và Thể thao Campuchia làm thay đổi hẳn diện mạo giáo dục phổ thông bằng giải pháp thi nghiêm – học thật, đồng thời đưa ra tầm nhìn và hành động rõ ràng cụ thể để giáo dục Campuchia bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra công văn “nhắc lại” Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng về “chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”.
Tiếc rằng, căn nguyên bệnh dối trá trong giáo dục ngay trong chính sách, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ không nhìn thấy, mà chờ các sở “rà soát, báo cáo”.
Chúng tôi xin nhấn mạnh, đó là bệnh dối trá. Không có cái gọi là “bệnh thành tích”, bởi thành tích không phải bệnh.
Bởi vậy, chúng tôi thực sự băn khoăn, nếu chỉ bằng công văn số 6122 /BGDĐT-TĐKT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục được “bệnh dối trá” trong giáo dục, thì quả là một điều tuyệt vời.
Nhưng nhìn lại cuộc vận động “hai không” của ngành giáo dục, chúng tôi không tìm thấy cơ sở nào đảm bảo công văn này sẽ thành công. Vậy phải chăng đây chỉ là một động thái để làm “yên dư luận”?
Từ thực tế trên, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực tâm muốn xóa bỏ bệnh dối trá thì việc đầu tiên cần xóa bỏ ngay những Thông tư như thế này, vấn đề còn lại là quý thầy lãnh đạo Bộ có thật lòng muốn xóa bỏ căn bệnh giả dối/ngụy tạo thành tích trong giáo dục?