Ngày 28/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo nói chuyện với học sinh về chủ đề ”Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường”.
Bên cạnh những học sinh cho rằng, văn hóa ứng xử học đường hiện nay đang đi xuống, thì có những học sinh cho biết, vẫn còn nhiều hình ảnh đẹp của học sinh cần phải ghi nhận.
Đó là hình ảnh cõng bạn vào lớp học và cõng bạn ra về ở tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 3.
”Ở trường có rất nhiều hình ảnh đẹp chứ không phải cái gì cũng xấu. Ví dụ như học sinh giúp nhau học tập, học sinh cõng bạn đến lớp… Những hình ảnh đẹp như vậy chúng ta cần phải ghi nhận”, một học sinh phát biểu.
18 tuổi học lớp 6
Vũ Thanh Sang (18 tuổi, quê Đồng Nai, học sinh lớp 6 Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 3) bị dị tật bẩm sinh. Đôi chân em teo tóp, cột sống bị vẹo, Sang đi lại rất khó khăn, nhất là khi lên xuống cầu thang.
Mỗi lần di chuyển, em phải dùng hai tay lê từng chút một. Em thích được đi học, được đến lớp nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sang không đạt được ước mơ của mình.
Cho đến khi, bố mẹ phải đưa Sang vào sống ở một mái ấm tại Thành phố Hồ Chí Minh, em mới được đến trường, đến lớp.
Mỗi bước đi của Sang vô cùng khó khăn – Ảnh: T.A |
”Em thích đi học. Mỗi ngày đến trường với em là một trải nghiệm. Mỗi bài học đều cho em những kiến thức bổ ích”, Sang nói.
Mái ấm thuê một chú xe ôm hằng ngày đưa đón Sang đến trường. Để vào lớp học, em phải tự mình dùng hai tay lê từng chút một.
Di chuyển trên bề mặt phẳng đã khó, Sang phải dùng tay nhấc toàn cơ thể lên từng bậc cầu thang. Thương bạn, nhiều học sinh ở trung tâm đã thay nhau cõng Sang vào lớp.
Các em tự chia nhau, mỗi người cõng bạn ba ngày. Hôm nào đến phiên mình cõng, bạn đó sẽ đi học sớm một chút, ngồi chờ chú xe ôm đưa Sang đến cổng trường rồi cõng lên lớp.
Giờ tan trường thì đứng chờ ở cửa lớp, Sang tan học sẽ cõng xuống để chú xe ôm chở về. Nhờ thế mà con đường đến trường của Sang bằng phẳng hơn một chút.
Nói về những hành động đẹp của các bạn giành cho mình, Sang cảm động: ”Em cảm ơn các bạn rất nhiều. Em sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh những ngày mình được ngồi trên lưng cho các bạn cõng. Đó chính là động lực, giúp em cần phải học thật giỏi, làm thật nhiều việc tốt và quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành chàng kỹ sư công nghệ thông tin tương lai”.
Được cõng bạn trên lưng là một niềm vui
Mỗi tuần, em Phạm Đức Tuấn, học sinh lớp 11 của trung tâm cõng Sang ba ngày. Em cho biết, được cõng bạn trên lưng, di chuyển lên xuống từng bậc cầu thang ở trường là một niềm vui.
”Em và anh Sang ở chung một mái ấm. Hai anh em cùng hoàn cảnh với nhau. Em may mắn sinh ra là người lành lặn thì phải giúp đỡ những người như anh Sang”, Tuấn nói.
Em cho biết, ước mơ của Sang là được đi học, được đến trường và được tự lập. ”Việc em làm hôm nay, chỉ góp vào một phần nhỏ trong quyết tâm của anh ấy thôi. Em nghĩ, ai thấy anh ấy phải tự mình lê từng chút một lên từng bậc cầu thang cũng sẽ làm như em thôi”, Tuấn nói.
Tuấn rất vui khi được cõng bạn trên lưng mình – Ảnh: T.A |
Một học sinh khác thì cho rằng, được cõng Sang trên lưng mình là cách để em cảm nhận được tình bạn và biết cách giúp đỡ người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình không chỉ ở hiện tại, mà còn trong tương lai.
”Nhìn anh Sang tội lắm. Em cõng anh ấy không chỉ giúp anh ấy đi lại dễ hơn, mà còn giúp em được rèn luyện mình. Em chỉ ước, có một phép màu nào đó để anh ấy có đôi chân khỏe mạnh, để vững tin bước đi trong ước mơ của mình”, nam học sinh nói.
Sang xúc động, lúc mới đến trung tâm, nhìn các bạn nhanh nhẹn leo lên từng bậc cầu thang, em thèm mình cũng được như vậy. Thấy em đi lại khó khăn, có bạn đến ngỏ ý muốn cõng lên, em ngại nên không nhận lời.
Sau khi trò chuyện thân thiện, em mới đồng ý cho các bạn cõng. Giờ, mỗi ngày được các các bạn cõng trên lưng, em hạnh phúc vô cùng”.
Các học sinh thay phiên nhau, mỗi bạn cõng Sang ba ngày – ảnh: T.A |
Cô Nguyễn Thị Hạnh Phúc, giáo viên chủ nhiệm của Sang cho biết, ở lớp em là một học sinh giỏi, ngoan và luôn giúp đỡ các bạn học kém hơn mình. ”Năm học vừa rồi, thành tích học tập của Sang đứng thứ hai ở lớp. Học sinh nào không hiểu bài, em từ từ giải thích để giúp bạn hiểu bài hơn”.
Theo cô Nguyễn Thị Hường, giám thị trung tâm, thời gian trước, các học sinh tự chia nhau cõng Sang lên xuống cầu thang. Sau đó, trung tâm phân ra cho học sinh thay phiên nhau cõng bạn.
”Một em cứ cõng Sang mãi thì cực cho em ấy lắm. Hơn nữa, lỡ hôm nào em đó nghỉ học, Sang phải tự mình di chuyển sẽ vô cùng khó khăn.
Các em học sinh được trung tâm phân công rất vui vẻ nhận lời. Hôm nào chẳng may em ấy nghỉ học thì tự nhờ người khác cõng bạn”, cô Hường giải thích.
Giải thích về việc tại sao lại không sắp xếp cho Sang học ở tầng trệt để em tiện đi lại, Thạc sĩ Giảng Văn Chải, Giám đốc trung tâm cho biết, hiện ở tầng trệt trung tâm không có phòng học, vì thế nhà trường mới để Sang học ở tầng một.
Thầy Chải cũng cho biết, ở trung tâm có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn như Sang. Trường hợp nào cũng được các học sinh tự nguyện giúp đỡ.
”Năm 2016, có hai em học sinh nữ, một em bị tật ở tay, em kia thì lùn. Cả hai đều thích đi học. Vậy là ngày nào, em học sinh bị tật ở tay cũng tư đi xe đạp chở em học sinh lùn đi học.
Bây giờ, em học sinh lùn đã nghỉ học vì không có điệu kiện. Thế nhưng, hình ảnh đẹp của hai em được học sinh, thầy cô ở trung tâm nhớ mãi”, thầy Chái nói
Thầy cũng nhận xét: ”Ở trung tâm có những em học sinh hiếu động, nghịch phá làm thầy cô phải buồn lòng. Nhưng đổi lại, những hình ảnh cõng bạn, chở bạn đến trường là một hình ảnh đẹp của học sinh để lại rất nhiều ấn tượng cho thầy cô”.