(GDVN) – Trừ phi các nhà dự án VNEN định đào tạo con em đất nước này thành công nhân hái cà phê và xuất khẩu sang Colombia, nếu không thì nên dừng ngay lại.
LTS: Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn hiện đang công tác tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về một số kiến nghị của Giáo sư liên quan đến mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN).
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này và trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn!
Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bao cấp tư duy – cái hay lại biến thành cái dở
Mô hình Trường học mới xuất hiện ở Colombia từ những năm 1970 cho các lớp ghép vùng sâu vùng xa, nơi thiếu giáo viên và học sinh nhà nghèo học theo thời vụ, có thể tạm nghỉ bất cứ khi nào giúp cha mẹ việc đồng áng, rồi lại quay lại trường.
Nội dung dạy và học của mô hình Trường học mới ở Colombia liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của học sinh, chính là những việc các em vẫn giúp cha mẹ ở nhà như nấu cơm, rửa bát, vệ sinh cho đến thu hái cà phê…
Với lớp ghép có học sinh nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau, giáo viên Colombia được tự chủ chuyên môn, tự chọn tài liệu để sao cho học sinh có thể tự học và bảo nhau học những kiến thức, kĩ năng phục vụ trực tiếp cho cuộc sống hàng ngày của các em.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn, ảnh do tác giả cung cấp. |
Đó là lý do tại sao, tuy có thành viên đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Colombia về tiết lộ, thực sự thì không học sinh nào học Trường học mới mà có thể thi đỗ đại học, nhưng đây lại là mô hình nhân văn và được UNESCO, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao.
Giá trị của Trường học mới nằm ở chỗ mô hình này được thiết kế phù hợp với bối cảnh chính trị – kinh tế – xã hội và mục tiêu giáo dục của Colombia.
Nhưng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhập mô hình này về Việt Nam và triển khai Dự án Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), cái hay này của Trường học mới đã nhanh chóng biến tấu thành “bao cấp tư duy” cho cả giáo viên và học sinh.
Sách giáo khoa hiện hành (chương trình 2000) được các nhà dự án VNEN “biên soạn” thành tài liệu hướng dẫn học VNEN, hoạch định sẵn và cụ thể đến từng chi tiết thành các bước theo mô hình Trường học mới ở Colombia.
Nếu như Trường học mới ở Colombia phát huy hết khả năng tự chủ, tự do sáng tạo của giáo viên và học sinh để đạt mục tiêu giáo dục quốc gia, thì về Việt Nam, VNEN gần như triệt tiêu hoàn toàn vai trò sáng tạo của thầy và trò.
Mọi so sánh có thể là khập khiễng, nhưng vẫn xin dẫn ra một vài hình ảnh, ví dụ để bạn đọc thấy rõ về sự “bao cấp tư duy” này.
Để vào được hồ Hoàn Kiếm có 5 cách đi qua 5 cửa ô, song những nhà phương pháp mới chỉ lượng hóa được cách đi từ Hà Đông về hồ Hoàn Kiếm.
Vậy bốn cửa ô khác phải đi về Hà Đông rồi mới lại về được Hồ Hoàn Kiếm?
Trong ví dụ này, thay vì hướng dẫn người đi cách hỏi đường đến Hoàn Kiếm, để họ tùy ý đi đường nào thì đi miễn là đến đích, thì các nhà phương pháp lại vạch ra một con đường, rồi chỉ huy đi theo con đường đó.
Cũng như vậy, VNEN đã “công thức hóa” hoạt động chiếm lĩnh kiến thức và kỹ năng cho học sinh thành “quy trình” duy nhất, con đường duy nhất.
“Bao cấp tư duy” đã trở nên phổ biến trong ngành giáo dục nước nhà mấy chục năm nay, chứ không phải đến khi triển khai VNEN mới có, ví dụ như lâu nay dư luận vẫn phàn nàn cách dạy và học môn Văn.
Cho học sinh chép bài văn mẫu, học thuộc lòng để thi kiểm tra, và rồi thầy lại chấm văn thầy. Chính cách dạy và học môn Văn như vậy đã và đang tiêu diệt sự sáng tạo của thầy và trò.
Hay như cách làm sách giáo khoa 2000, lúc sinh thời Phó giáo sư Văn Như Cương từng nhận xét trên tạp chí Tia Sáng số tháng 6/2001:
Cái kim trong “bọc” VNEN đã lòi ra |
“Sách giáo khoa Toán như là sách dạy nấu ăn, chúng ta giết chết văn hóa Toán học rất cần cho con người”.
Tức là các nhà phương pháp giáo dục của chúng ta, thay vì chỉ cách hỏi đường cho người học tùy ý lựa chọn con đường nào phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh, xuất phát điểm của mình nhất, miễn là đến đích;
Thì họ lại vạch ra một con đường chung cho tất cả giáo viên và học sinh, rồi chỉ huy cả thầy và trò đi theo con đường đó!?
Trong lớp học VNEN, người thầy đã buộc phải chuyển sang vai trò của người “trông lớp” thì đúng hơn.
Bởi lẽ kiến thức của sách giáo khoa 2000 dạy đi dạy lại học sinh còn chưa chắc hiểu hết, bây giờ phải để các em tự học, học nhóm, trao đổi và tự chiếm lĩnh có khác nào chuyện lông rùa, sừng thỏ?
Thế nên mới có chuyện phụ huynh tìm mọi cách cho con thoát VNEN, từ xin chuyển trường cho tới làm đơn kiến nghị bỏ VNEN.
Các trường vì lý do nào đó phải áp dụng VNEN, thì buổi sáng học theo mô hình này cho “đúng chương trình”, chiều thày cô phải dạy lại theo cách truyền thống. Dừng VNEN, giáo viên nào cũng hồ hởi như trút gánh nặng.
Từ phía nhà trường, thầy Trịnh Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Định Thành, Yên Định, Thanh Hóa nói với chương trình S Tiêu điểm của đài truyền hình VOV phát sóng tối 19/9, thầy Xuân cho biết:
“Con em nhân dân học thì rất lo đến chuyện thi. Vì ví dụ như con em họ sẽ thi vào cấp 3 như thế nào?
Họ đặt vấn đề ngay với nhà trường, với phòng giáo dục là liệu có một cái đề thi riêng cho 2 trường học VNEN không?
Thực tế cái này chúng tôi không dám trả lời, vì mình không có thẩm quyền. Và phòng giáo dục cũng không trả lời.” [1]
Lúc này các trường và phụ huynh có con học VNEN chỉ còn cách sáng cho các cháu học VNEN, chiều lại học chương trình hiện hành.
Phụ huynh cũng phải mua 2 bộ sách, VNEN và sách 2000 để con em họ không bị hổng các kiến thức, như chia sẻ của chị Nguyễn Thái Hòa, một phụ huynh có con học VNEN ở Hà Nội với truyền hình VOV.
Với các gia đình có điều kiện ở thành phố, mua bộ sách VNEN đắt gấp 3 lần sách hiện hành rồi vẫn phải mua thêm bộ sách giáo khoa 2000 không thành vấn đề.
Nhưng với các gia đình nghèo ở nông thôn lại là chuyện không nhỏ.
Vô lý hơn và nguy hại hơn là, tại sao con em họ đang học theo một chương trình khá nặng, nay lại phải gánh thêm VNEN để hài lòng các nhà quản lý?
Thực tế này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của các nhà dự án và quản lý VNEN, rằng mô hình này chỉ “thay phương pháp” dạy và học tiên tiến hơn, nội dung kiến thức vẫn thế, nhưng học sinh VNEN lĩnh hội tốt hơn.
Tình trạng quá tải trong sách giáo khoa hiện hành dư luận bàn tán đã nhiều.
Chỉ học theo sách giáo khoa 2000 đã “vã mồ hôi” thì thầy trò, phụ huynh các lớp mô hình trường học mới sáng dạy VNEN chiều học sách 2000 còn trầy trật đến mức nào?
Đừng đem râu ông nọ cắm cằm bà kia
Một lẽ rất đơn giản là điều kiện, bối cảnh, mục tiêu giáo dục của Colombia và Việt Nam khác nhau thì không thể áp đặt mô hình trường học mới Colombia lên nền giáo dục Việt Nam.
Trường học mới có thể rất tốt ở Columbia, song ở Việt Nam lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? |
Trừ phi các nhà dự án VNEN định đào tạo con em đất nước này thành công nhân hái cà phê và xuất khẩu sang Colombia, nếu không thì nên dừng ngay lại.
Giáo dục là lĩnh vực liên quan đến từng con người, từng gia đình và cả tương lai của dân tộc.
SAI trong giáo dục là có tội với lịch sử, hỏng một việc lớn của Quốc gia.
Thông thường việc đưa cái mới vào giáo dục, đặc biệt ở bậc phổ thông, người ta thực hiện thí điểm trước tại một trường thực nghiệm Nhà nước.
Cách làm là Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Ban quản lý Dự án VNEN phải tham khảo ý kiến các chuyên gia, trực tiếp giải thích, thuyết phục giáo viên và phụ huynh.
3 bên thỏa thuận được với nhau, thì mới thí điểm.
Sau khi tổng kết, cân nhắc kỹ kết quả và phương pháp đánh giá, thấy cái mô hình / phương pháp / chương trình / tài liệu mới là tốt, phù hợp, hiệu quả với các tiêu chí có thể kiểm tra được, thì mới triển khai đại trà.
Điều này chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã phát biểu:
“Trước khi đưa ra một cái mô hình đổi mới phải nghiên cứu kỹ, hướng dẫn cẩn thận, phải có lộ trình thực hiện và mô hình phải sống được trong cuộc sống.
Làm sao để chính những người ứng dụng nó họ thấy hay thì đó mới chính là thực tiễn.”
Tuy nhiên thực tế việc triển khai chương trình VNEN ngay từ đầu đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc vừa nêu, vô tình hay hữu ý các nhà dự án VNEN đã biến các hàng triệu học sinh thành “chuột bạch”.
Giải pháp thực tế, cấp thiết nhất hiện nay đối với VNEN, theo thiển nghĩ của tôi là nên dừng lại mô hình này trong toàn quốc theo lộ trình để tránh xáo trộn trong giáo dục.
Tiếp đến là tổng kết một cách khoa học, công khai, minh bạch và cầu thị các lần cải cách, đổi mới giáo dục để xác định đúng thực trạng, vấn đề thì mới mong tìm được giải pháp phù hợp, nếu không thì sẽ tít mù, rồi lại vòng quanh.