LTS: Là một giáo viên với rất nhiều năm kinh nghiệm, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ một số vấn đề còn tồn tại ở khâu biên soạn sách giáo khoa.
Cô giáo chỉ ra những hạt sạn trong sách giáo khoa hiện hành, trong đó cũng nhiều sai sót lặp đi lặp lại sau nhiều lần chỉnh sửa sách.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Để đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như kì vọng thì việc viết lại bộ sách giáo khoa là điều đặc biệt cần thiết.
Tránh những sai sót như hai lần cải cách trước đây, hy vọng chương trình sách giáo khoa lần này sẽ được hoàn thiện hơn.
Sách giáo khoa vẫn nhiều “sạn”
Sách giáo khoa vẫn được xem là tài liệu chính thống cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh. Bởi thế kiến thức được trình bày trong đó phải tuyệt đối chính xác.
Nhưng sau nhiều lần cải cách, biên soạn và chỉnh sửa, sách giáo khoa hiện hành vẫn còn không ít “sạn”.
Từ trước đến nay, đã có nhiều bài báo đề cập đến chuyện này. Một điều lạ và gây cho độc giả nhiều thắc mắc là những sai sót ấy vẫn luôn được lặp lại qua các lần cải cách, chỉnh sửa. Phải chăng khâu biên tập của chúng ta quá ẩu?
Ngay sách Tiếng Việt lớp 1 (tập 1), do Nhà xuất bản Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát hành năm 2003 từ bài 1 đến bài 27, các chữ đầu câu và tên người không được viết hoa.
Quá nhiều lỗi sai được phát hiện trong sách giáo khoa. (Ảnh: TTXVN) |
Từ sau bài 28, cách sử dụng chữ viết hoa vẫn tùy tiện. Cụ thể, bài 56 (trang 115) sách viết: “Trai gái bản mường cùng vui vào hội”, nếu viết đúng thì chữ “mường” phải viết hoa (“Mường”) vì là danh từ riêng.
Trong khi đó, các loài vật thì đều được viết hoa như Rùa, Khỉ, Kiến, Sên… nhưng cũng tùy tiện như “Sáo Sậu với châu chấu, cào cào, Sói và Cừu” (bài 43, trang 89), “Cừu” viết hoa còn “hươu, nai”… viết thường.
Cuốn sách giáo khoa tập Tiếng Việt lớp 2 (tập 1) cũng gây xôn xao dư luận khi bài thơ “Thương ông” bị cắt nối khác bản gốc và cả đoạn trích đã quen thuộc với bao thế hệ học sinh.
Trong sách Tiếng Việt lớp 2, tập 2, bài thơ “Lượm” của Tố Hữu viết sai chính tả “Lúa trỗ đòng đòng”, thay cho viết đúng là “lúa trổ đòng đòng”…
Sách Khoa học lớp 5 chương trình hiện hành dù đã trải qua nhiều lần cải cách, chỉnh sửa nhưng nội dung kiến thức vẫn cứ y chang những cuối sách cũ.
Thậm chí sách VNEN mới đây cũng sao y bản chính nội dung này để đưa vào giảng dạy cho học sinh.
Cụ thể bài “Sự sinh sản” khoa học lớp 5 học sinh phải trình bày quá trình hình thành bào thai, nêu những việc nên làm và không nên để chăm sóc sức khỏe cho bào thai và phụ nữ mang thai.
Học sinh lớp 6, nhưng các em buộc phải tiếp thu một vấn đề quá lớn vượt ngoài khả năng nhận thức như Khái quát lịch sử cổ đại, từ xã hội nguyên thủy đến quốc gia cổ đại phương Tây, phương Đông, kể cả Văn hóa cổ đại, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X.
Một số bất cập và sai sót trong sách giáo khoa Trung học phổ thông hiện nay |
Những yêu cầu của bài học rất vô lý, chỉ xem một tấm hình khắc trên lăng mộ Ai Cập thế kỷ XIV trước công nguyên mà “Em hãy miêu tả cảnh làm ruộng của người Ai Cập” , “Thử đánh giá các thành tựu văn hóa lớn của thời cổ đại?”.
Bên cạnh đó, học sinh còn phải tiếp cận những từ như luật Ham-mu-ra-bi, giấy Pa-pi-rút, chiếm hữu nô lệ, thời nguyên thủy trên đất nước ta với những các câu hỏi “hóc búa” như “Vì sao nhà Hán giữ độc quyền về sắt?”, “Thời dựng nước đầu tiên để lại gì cho đời sau?” v.v…
Ở môn Lịch sử, lâu nay nhiều người cho rằng sách lịch sử còn khô khan, kiến thức hàn lâm thiếu thực tế gây đã nên sự mệt mỏi, chán nản cho các em.
Phần lớn sách Lịch sử ở bậc học phổ thông, sách Tự nhiên và Xã hội ở lớp 2, 3 (học sinh vừa mới chuyển qua giai đoạn đọc thông viết thạo) nhưng nội dung kiến thức trong sách kênh chữ nhiều hơn kênh hình, quá nghèo nàn về tư liệu và hình ảnh đã chẳng thu hút được sự hào hứng của học sinh mà ngược lại làm cho các em cảm giác mệt mỏi vì áp lực.
Phải có giáo trình hay, hấp dẫn
Ngoài việc sách giáo khoa phải chính xác, khắc phục được những thiếu sót như trước đây, người biên soạn cần lưu ý phải có giáo trình hay, hấp dẫn mới thu hút được sự đam mê, hào hứng của học trò.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Minh Oanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: “Sách giáo khoa phải viết gọn gàng, tăng nhiều hình ảnh thì mới thu hút và nhận được sự quan tâm của học sinh”.