(GDVN) – Thay vì liên tục ra công văn chấn chỉnh, Bộ Giáo dục nên bãi bỏ những chỉ tiêu khống chế như hiện nay, tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được dạy và học thật
Là một người trực tiếp trong cuộc – trước công văn yêu cầu các đơn vị từng bước khắc phục bệnh thành tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo Đỗ Quyên đã đưa ra những chia sẻ của mình trước vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trước vấn nạn bệnh thành tích trong giáo dục ngày một biến tướng, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành công văn gửi các sở, các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp có đào tạo giáo viên yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, từng bước khắc phục bệnh thành tích.
Không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học và cha mẹ học sinh. Không lấy kết quả của các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị.Công văn nêu rõ việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy định, yêu cầu dễ dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục.
Thực hiện tốt kỷ cương, nền nếp, quy chế dân chủ ở cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục. Phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong dạy, học và bệnh thành tích.
Xây dựng và công bố công khai các tiêu chí thi đua cụ thể, có cơ sở khoa học, minh chứng rõ ràng, phù hợp với thực tế, đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Thành tích của đơn vị, cá nhân được đánh giá bằng sự tiến bộ của chính đơn vị, cá nhân đó.
Điểm lưu ý của công văn chỉ đạo lần này là việc Bộ yêu cầu “rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy định, yêu cầu dễ dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục”.
Thứ nhất, việc quy định các chỉ tiêu đặc biệt là chỉ tiêu ở trường chuẩn quốc gia khá cao như chỉ tiêu về lên lớp thẳng, chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi, quy định tuổi học ở cấp tiểu học, chỉ tiêu về hiệu quả 5 năm đào tạo, chỉ tiêu hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, chỉ tiêu về hạnh kiểm, học lực, chỉ tiêu duy trì sĩ số…Điểm danh những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh thành tích
Thứ hai, nhiều trường học ở bậc trung học cơ sở còn đưa ra chỉ tiêu chất lượng cho từng môn học.
Chẳng hạn, môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… phải đạt chỉ tiêu 95%. Những môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn…đạt 90%… Có trường đưa chỉ tiêu hạnh kiểm tốt và khá là 99% trong khi 1 học sinh trong lớp bị xếp trung bình đã chiếm tới 3%.
Hậu quả của việc phải thực hiện chỉ tiêu
Áp lực hiện nay đè nặng lên giáo viên nhiều nhất là việc các trường tiểu học vì sợ không đạt chỉ tiêu về phổ cập nên nhất định không cho học sinh ở lại lớp (nếu có cũng rất ít).
Trong khi đó, một lớp học có đến 40 em cũng có đến vài em dù thầy cô nỗ lực hết mình dạy dỗ những những học sinh này vẫn cứ ngu ngơ, học trước quên sau.
Học cả năm lớp 1 nhưng chưa thể nhớ hết các âm vần. Không cho ở lại lớp, buộc phải đẩy lên lớp 2. Thế rồi, hết năm lớp 2 lại bị đẩy lên lớp 3 rồi lớp 4, lớp 5. Hay có những em chỉ được phép lưu ban một năm.
Nếu tiếp tục lưu ban sẽ bị khống chế vào hiệu quả đào tạo sau 5 năm. Dẫn đến tình trạng có em đã hoàn thành chương trình tiểu học mà không hề biết chữ.
Học sinh quá tuổi xin vào học do sợ bị khống chế về độ tuổi nên trường nọ đẩy sang trường kia. Đã có những học sinh không có nơi nào nhận đành chấp nhận mù chữ ở nhà.
Vì để đạt chỉ tiêu, giáo viên không dám đánh giá thẳng tay mà phải chiều theo học sinh như việc thầy cô phải dỗ, phải năn nỉ, phải ban đặc ân bằng cách mớm câu hỏi, mớm đề cương trước khi thi.Ở bậc trung học cơ sở, có khá nhiều học sinh không muốn học hoặc không chịu học những môn các em cho là môn phụ như môn Sử, Địa, Giáo dục công dân, kĩ thuật, thể dục…
Cũng vì chuyện duy trì sĩ số, thầy cô không dám nghiêm khắc với trò vì sợ các em nghỉ học. Trò hư không dám la mắng, trò vô lễ không dám đánh giá hạnh kiểm chưa đạt vì sợ khống chế chỉ tiêu hạnh kiểm. Điều này, có thể lý giải vì sao học trò ngày một hư hơn.
Công văn của Bộ cũng nêu rõ “Phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong dạy, học và bệnh thành tích”. Nghe thì hay thật nhưng chẳng dám mừng và hy vọng.
Vì làm sao mà phát hiện được những biểu hiện tiêu cực mà xử lý?
Ban Giám hiệu từng trường chưa bao giờ ra lệnh cho giáo viên phải cho học sinh yếu lên lớp. Họ chỉ gây áp lực bằng nhiều cách buộc giáo viên phải tự nguyện không thể cho học sinh ở lại.
Các trường cũng xây dựng chỉ tiêu thi đua đưa về các tổ từ đầu năm. Nếu giáo viên nào không đạt đương nhiên thi đua cá nhân bị ảnh hưởng. Điều này, sao có thể xử lý được đây?
Thế nên thay vì liên tục ra công văn chấn chỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bãi bỏ hết những chỉ tiêu khống chế như hiện nay, tạo cơ hội cho giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật. Được như vậy, giáo dục mới mong được khởi sắc
Đỗ Quyên